CHI BỘ TRƯỜNG THPT YÊN DŨNG SỐ 3 HỌC VÀ LÀM THEO BÁC VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, NHIỆM VỤ, CÔNG VIỆC ĐƯỢC GIAO
Ngày 09/11/2020, trong cuộc họp thường kì tháng 11 năm 2020, Chi Bộ trường THPT Yên Dũng số 3 đã nghiêm túc sinh hoạt chủ đề học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần, trách nhiệm nhiệm vụ công việc được giao.
Cả cuộc đời dành trọn cho quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam những tư tưởng cao quý, có giá trị sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là các giá trị được toát lên từ chính sự nghiệp, cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo và sửa mình... Một trong những giá trị đó là các lời dạy của Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Người luôn căn dặn, yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng thời, phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật.
Năm 1951, năm đầu thực hiện đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi" do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đề ra, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có một số biểu hiện tư tưởng thiếu cố gắng, làm chưa hết chức trách, nhiệm vụ; nói nhiều, làm ít; làm chưa đến nơi đến chốn…
Để kịp thời đấu tranh, khắc phục và làm cơ sở cho các tổ chức học tập, chỉnh đốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết về tinh thần trách nhiệm đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 13/12/1951.
Người viết: "Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công".
Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, tránh né, đùn đẩy, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, ... là không có tinh thần trách nhiệm.
- thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Người quan niệm, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, hiếm khi để bất cứ ai phải đợi mình, đã hẹn là đến, đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Người đã chờ sẵn, hẹn cán bộ, quần chúng nào, dù khó khăn đến mấy cũng đến và đến đúng giờ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói về tinh thần trách nhiệm, có khi Bác nói là “lòng trách nhiệm”, nghĩa là ý thức trách nhiệm là biểu hiện của tấm lòng, từ trái tim, từ trong tâm khảm mỗi người… đối với công việc. Bác hay nhắc, làm việc gì cũng phải “một lòng một dạ”, “toàn tâm toàn ý”, “hết lòng hết sức”. Nếu chỉ làm việc bằng nửa lòng nửa dạ, nửa tâm nửa ý, làm qua loa đại khái, hời hợt, không hết lòng hết sức, được đến đâu hay đến đấy, dân gian gọi là “được chăng hay chớ” thì làm sao có thể gọi là “hết mình”, “hết lòng” với công việc. Vì thế, chỉ có thể chứng minh lòng trung thành, mọi lời hứa bằng hành động cụ thể, bằng việc làm thiết thực, được kiểm chứng qua thời gian, qua công luận thì mới có thể nói, ai đó đã thực lòng, thực tâm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, trung thành, tận tụy với Đảng, với tổ chức, không cơ hội, vụ lợi bởi những động cơ cá nhân, ích kỷ, nhỏ nhen. Và như vậy, mới chứng tỏ đã quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Do đó, nói ý thức, tinh thần trách nhiệm, trước hết là thể hiện đạo đức, tư cách, nhân cách, tâm nguyện của mỗi người vì mọi người. Những người như vậy, những tấm lòng và việc làm như vậy, Bác bảo, nó sáng ngời, thiết thực hơn cả trăm lần thề thốt, hứa hẹn lý thuyết suông. Người có ý thức trách nhiệm cao thường không bao giờ thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Trái lại, luôn lo toan, trăn trở, trước những việc chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa được như mong muốn. Tinh thần tự trách, tự đòi hỏi ở chính mình là thái độ tự phê bình, tự phê phán để rút kinh nghiệm và sửa chữa khiếm khuyết. Đó thực sự là tấm lòng, là đạo đức trong mọi công việc, mọi ứng xử của mỗi người.
Tinh thần đạo đức đó hoàn toàn đối lập với thói lười biếng, cẩu thả, tắc trách, bệnh vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, tính ỷ lại, đại khái qua loa, chiếu lệ, “làm cho xong chuyện”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thẳng thắn phê bình những người, những việc làm mang nặng bệnh hình thức, bệnh thành tích, làm để đối phó với kiểm tra, thanh tra, để che mắt dư luận hoặc chỉ làm cho có. Chuyện kể rằng, gặp một đoàn cán bộ trên đường, Bác hỏi họ đi đâu thì mọi người trả lời là đi dự lớp huấn luyện về. Bác hỏi tiếp: “Học có vui không?”. “Vui lắm”. “Thế học những gì?”. “Các Mác”. “Thế học rồi có hiểu không?”. Họ ấp úng: “Không ạ”. Bác buông câu nhận xét: “Thế là phí công, phí của, vô ích”(1).
Gặp những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, Bác rút ra kết luận: “Học và dạy kiểu “chuồn chuồn đạp nước”, “Cưỡi ngựa xem hoa” như vậy thì thật là lãng phí. Đó là biểu hiện sự thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm. Người có ý thức trách nhiệm cao không thể chấp nhận lối dạy và học, học và hành đại khái, qua loa, tắc trách như vậy. Nếu là những người nghiêm túc, đề cao tinh thần trách nhiệm thì thầy mà dạy qua loa, đại khái, trò phải góp ý, đòi hỏi; trái lại, trò mà học đối phó, chỉ cốt có tấm bằng hay chứng chỉ, không chăm chỉ tập trung cao để bảo đảm chất lượng thì thầy cô phải chấn chỉnh, uốn nắn, giáo dục để mọi người đi vào nền nếp, kỷ cương.
Bệnh đại khái, qua loa, tắc trách sở dĩ tồn tại được là do tổ chức thiếu chặt chẽ; lãnh đạo, quản lý thiếu sâu sát, nghiêm khắc; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen chê không kịp thời, thẳng thắn, đúng mức. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thiếu cụ thể, cứ “một số” thế này, “một số” thế kia, “nói chung” thì…, chứ không chỉ ra được cụ thể, rạch ròi đâu là đúng, đâu là sai, đâu là nguyên nhân, kinh nghiệm. Những cung cách kiểu ấy rất trái với phong cách Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng đều nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, còn một số cán bộ, đảng viên, quần chúng có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm, bớt xén giờ giấc, làm không đúng quyền hạn, chức trách, nói nhiều, làm ít, làm qua loa chiếu lệ…Một số Đảng viên chưa thể hiện tính gương mẫu, đi đầu; Tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm vẫn còn xảy ra; Cán bộ, Viên chức thì chưa nhiệt tình trong công việc, trong phong trào, chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng; Có hiện tượng không làm nhưng khi người khác làm thì đứng ngoài soi mói, dè bỉu, chê bai làm thủ tiêu đi tính tích cực …
Bác đã đi xa hơn 50 năm rồi, nhưng lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi soi đường cho chúng ta đi tới tương lai tươi sáng. Hơn lúc nào hết, đất nước ta đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có lòng tận tụy với công việc, một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển.
- Để nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, viên chức đơn vị ta trong thời gian tới, tôi mạnh dạn đưa ta một số giải pháp như sau:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho toàn thể cán bộ, viên chức nhà trường. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, viên chức;
- Xây dựng các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, viên chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.
- Xử lý nghiêm và công bằng những sai phạm của cán bộ, viên chức nhằm chấn chỉnh kịp thời, đồng thời củng cố niềm tin của toàn cán bộ viên chức.
- Mỗi cán bộ, viên chức của nhà trường cần phải có ý thức tự giác, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; tôn trọng, công tâm, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc.
- Có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn, của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tích cực và tự giác tham gia các hoạt động phong trào.
- Báo cáo viên: Đồng chí Nguyễn Thị Thịnh - TPCM tổ Xã hội